Full width home advertisement

Post Page Advertisement [Top]

Bài 5: Tay trái

1. TƯ THẾ
- Đẩy khuỷu tay ra xa hông sao cho cẳng tay vuông góc với cần đàn. Móng tay cắt thật ngắn.
- Sẽ dùng 4 ngón: trỏ-giữa-áp út-út lần lượt ký hiệu là 1-2-3-4 để bấm lên dây.
- Nắm nhẹ nhàng các ngón tay thành nắm đấm rồi mở ra giống như đang nắm một cuộn giấy tròn, các ngón nắm hờ để cuộn giấy không bị bẹp và ngón cái hướng thẳng lên trên. Bốn ngón 1, 2, 3, 4 không chạm vào nhau. Nhẹ nhàng đặt bàn tay ở tư thế như vậy ôm vào cần đàn sao cho ngón cái đặt ở khoảng giữa mặt sau cần đàn như đang treo bàn tay trên cần, 4 ngón còn lại ở gần các dây đàn và quan trọng nhất là: lòng bàn tay song song với cần đàn.
2. KỸ THUẬT BẤM
- Mục đích của việc bấm là dùng đầu ngón tay đè dây sát các phím - thanh kim loại gắn trên mặt cần để tạo ra các chiều dài khác nhau trên một dây qua đó tạo ra các âm có cao độ khác nhau. Như vậy, vị trí để đè dây thuận lợi nhất trên cần đàn là điểm sát phía trái của phím đàn vì bấm dây tại điểm đó tốn ít sức nhất nhưng không đè thẳng lên phím vì bấm tại điểm đó, phần thịt ở đầu ngón tay sẽ chạm vào đầu đoạn dây đang dao động làm cho dao động đó tắt rất nhanh nên âm thanh sẽ không ngân vang được.
Vị trí tiếp xúc với dây trên các ngón tay: Sau khi  treo bàn tay trái trên cần và chỉnh cho lòng bàn tay song song với cần đàn bạn nhẹ nhàng đặt các đầu ngón tay chạm vào dây 3. Bạn dễ dàng nhận thấy  ngón 1 tiếp xúc với dây ở nửa phía trên của đầu ngón tay, ngón 2 và 3 ở chính giữa, ngón 4 ở nửa phía dưới. Khi bấm, ngón1 sẽ hơi nghiêng về phía đầu cần, ngón 4 hơi nghiêng về phía thân đàn cùng với ngón 1 tạo thành dáng chứ V, ngón 2 và 3 thẳng đứng. Dù nghiêng hay thẳng thì các mặt phẳng móng tay vẫn phải vuông góc với mặt cần đàn.Để các ngón luôn bấm sát phím bạn luôn tạo xu hướng đẩy ngón tay trượt về phía phím để ngón tay cảm nhận được phím trồi lên dưới dây đàn cản lại chuyển động của ngón tay.
Việc bấm của mỗi ngón hoàn toàn dùng sức của chính ngón đó đè xuống dây chứ tuyệt đối không có sự tham gia của ngón cái như 2 ngón cùng bóp cần đàn. Ngón cái tỳ nhẹ nhàng lên mặt sau cần đàn như treo bàn tay trên cần để có thể di chuyển bàn tay dọc hoặc ngang cần đàn để hỗ trợ các ngón bấm đúng vị trí mong muốn. Nhiệm vụ quan trọng nữa của ngón cái là điểm mốc để xác định vị trí các phím cho các ngón bấm. Sau một thời gian nhất định, bạn có thể dần cảm nhận được vị trí tương đối của các phím với ngón cái mà không cần phải nhìn.
- Đừng quá cố gắng vươn ngón tay đến vị trí cần bấm vì có thể sẽ làm sai tư thế của bàn tay, hãy mở rộng các ngón tay một cách nhẹ nhàng và di chuyển cả bàn tay trong khi ngón cái vẫn tì tại một điểm để hỗ trợ các ngón đến đúng vị trí.
- Quãng đường chuyển động của ngón tay khi bấm xuống rồi nhấc lên càng ngắn càng tốt.
- Các ngón 1,2,3,4 luôn để gần các dây đàn và chỉ trong phạm vi mặt cần đàn.
3. BÀI TẬP KHỞI ĐẦU CHO TAY TRÁI : ĐẶT  LẦN LƯỢT CÁC NGÓN
- Đặt cả 4 ngón chạm vào dây 3 rồi lại  nhấc cả 4 ngón lên một chút theo phương vuông góc với mặt cần đàn, nhấc lên càng ít càng tốt, miễn là ngón không chạm vào dây là được.
Đặt ngón 1 lên dây ở phím 1, di chuyển bàn tay một chút đủ để ngón 2 đặt sát vào phím 2 và nhấc ngón 1
1. 2.
Tương tự: đặt 3 nhấc 2,đặt 4 nhấc 3, đặt 3 nhấc 4, đặt 2 nhấc 3,đặt 1 nhấc 2, nhấc 1 về tư thế ban đầu.
3. 4.
3. 2.
1. 0.
- Thực hiện tương tự như vậy trên các dây còn lại. Càng về phía các dây trầm (4,5,6) có thể tầm với cho các ngón bị thiếu thì xoay nhẹ bàn tay một chút theo hướng quay quanh cần đàn trong khi ngón cái vẫn tỳ vào mặt sau cần tại một điểm để đảm bảo mặt móng của ngón bấm luôn thẳng đứng khi bấm.
- Đặc biệt chú ý:
  • Ngón cái tì tại một điểm và bàn tay di chuyển dọc hoặc xoay quanh cần đàn để hỗ trợ các ngón đặt đúng vị trí sát phía trên mỗi phím.
  • Không cố căng các ngón tay ra để với ngón vào vị trí bấm vì sẽ làm sai tư thế. Các ngón tay luôn để thật gần các dây. Khi ngón nào nhấc sau khi bấm thì nhấc càng ít càng tốt, miễn là không chạm vào dây là được. Nhấc theo hướng thẳng góc với mặt cần vì nhấc theo chiều xiên sẽ tạo tập âm do đầu ngón tay ma sát với dây gây ra.
  • Luôn chú ý tư thế ngón 1 thật đúng: đốt đầu tiên luôn ngả về phía đầu cần trong khi lóng bàn tay không chạm vào cần. Tư thế của ngón 1 đúng là điều kiện tiên quyết đến thao tác các ngón còn lại.
4. BÀI TẬP LÀM QUEN TAY TRÁI: BẤM TỪNG NGÓN
-  Tập đặt ngón đến khi cảm thấy chuyển động của các ngón tay đã có vẻ theo ý muốn thì bạn hãy bắt đầu tập bấm: đặt cả 4 ngón chạm vào dây 3 rồi nhấc lên một chút giống như bài đặt ngón. Dùng sức của ngón 2 đè dây chạm vào phím 2 rồi dùng ngón i gảy, âm phát ra kêu rõ  không rè là đạt, nhấc ngón 2 lên một chút rồi dùng ngón m gảy dây buông, sau đó tiếp tục bấm - nhấc - bấm - nhấc ... liên tiếp kết hợp với gảy bằng I - m - I - m . .. Tập tương tự như vậy với các ngón 2, 3 và 4.
5. CÁC NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG NGÓN TAY TRÁI
  • Bấm lần lượt theo thứ tự các nốt trừ khi bấm các hợp âm để gảy cùng một lúc thì buộc phải bấm nhiều ngón cùng một lúc.
  • Bấm các nốt liên tiếp cũng thay đổi ngón liên tục trừ trường hợp không có lựa chọn nào khác hợp lý hơn. Định sử dụng một ngón để bấm một nốt nào đó hãy suy tính sao cho các ngón bấm nốt trước đó và nốt sau đó bấm có thuận lợi, hợp lý không ?..
  • Ngón để bấm nốt tiếp theo luôn để gần vị trí của nốt đó.
- Trịnh Minh Cường

Bottom Ad [Post Page]

| Designed by Colorlib