Full width home advertisement

Post Page Advertisement [Top]

Quản lý thời gian – 7 sai lầm cần tránh và Quy tắc PERMA cân bằng cuộc sống!
Quản lý thời gian thiếu hiệu quả có thể dẫn đến stress và mất cân bằng trong công việc lẫn cuộc sống. Để cải thiện kỹ năng này, bạn cần khắc phục 7 sai lầm thường gặp trong quản lý thời gian. Khi thật sự kiểm soát được thời gian, những căng thẳng áp lực sẽ giảm bớt và hiệu suất công việc chắc chắn được cải thiện. Bên cạnh đó ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Khi hạnh phúc, bạn làm việc hiệu quả hơn, mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt đẹp hơn, và bạn cảm thấy mọi thứ thật tuyệt! Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.
Quản lý thời gian – 7 sai lầm cần tránh
1. Sai lầm thứ 1: Không đặt mục tiêu cho bản thân
Đặt mục tiêu cho bản thân rất quan trọng để bạn quản lý thời gian hiệu quả, vì những mục tiêu giúp bạn định hướng rõ ràng cho con đường sự nghiệp. Khi đã biết rõ nơi muốn đến, bạn có thể chủ động cho những việc cần ưu tiên. Việc lập mục tiêu cũng giúp bạn quyết định đâu là việc đáng để dành thời gian và đâu là những thứ chỉ gây xao lãng. Hãy nhớ đặt mục tiêu theo quy tắc SMART: Specific – Cụ thể, Measurable – Đo lường được, Attainable – Khả thi, Relevant – Phù hợp, và Time-bound – Có thời hạn xác định.
2. Sai lầm thứ 2: Không lên danh sách những việc cần làm
Đã bao giờ bạn quên không làm một việc quan trọng nào đó? Nếu đúng thế, có lẽ bạn đã không sử dụng một To-Do List – danh sách những việc cần làm – để kiểm soát công việc. Để lập To-Do List, hãy viết ra tất cả những việc bạn cần phải hoàn tất trong ngày. Đối với những dự án có khối lượng công việc lớn, hãy chia nhỏ theo từng giai đoạn. Danh sách càng chi tiết, bạn càng dễ quản lý, không bỏ sót việc nào và không cảm thấy nặng nề với những công việc lớn. Ví dụ: thay vì viết “Lập kế hoạch giám sát cho Quý 4”, bạn nên viết chi tiết như “Xem lại tiến độ giải ngân Quý 4” “Đánh giá tiến độ hoạt động Quý 4”…  Sau khi đã có danh sách, bạn có thể dùng hệ thống ký hiệu từ A-D: A cho những việc có độ ưu tiên cao còn D cho những việc không cần nhiều ưu tiên.
3. Sai lầm thứ 3: Không dành quyền ưu tiên
Bí quyết để sử dụng To-Do List hiệu quả nằm ở việc xác định mức độ ưu tiên công việc. Đôi khi thật khó để quyết định nên ưu tiên việc nào, nhất là khi bạn phải đương đầu với hàng loạt công việc cùng một lúc và việc nào cũng gấp.
Quản lý thời gian hiệu quả và đạt được những điều bạn muốn đồng nghĩa với việc dành thời gian cho những việc thật sự quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là cấp bách. Hiểu rõ sự khác biệt giữa quan việc quan trọng và việc cấp bách sẽ giúp bạn xác định được việc nào cần ưu tiên:
* Những việc quan trọng đem đến những kết quả giúp bạn đạt được muc tiêu của mình.
* Những việc cấp bách đòi hỏi sự lưu tâm tức thời và thường đi kèm với việc đạt được mục tiêu của một ai đó khác.
 (ảnh minh họa)
4. Sai lầm thứ 4: Không thể kiểm soát những yếu tố gây xao lãng
Sự phân tâm có thể tiêu tốn của chúng ta đến hai giờ đồng hồ mỗi ngày. Đó có thể là những email không liên quan đến công việc, chat, đồng nghiệp cần tâm sự…  
Hãy giảm thiểu những yếu tố gây xao lãng này! Ví dụ, hãy cương quyết tắt các cửa sổ IM chat khi bạn cần tập trung, và nếu ai đó đang làm bạn xao lãng, đừng ngại nói với họ điều đó. Bạn cũng cần học cách nâng cao khả năng tập trung, bắt đầu bằng một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng và uống thật nhiều nước trong ngày. Đừng ôm đồm quá nhiều việc một lúc, đóng cửa phòng lại và nghe một chút âm nhạc nếu điều này giúp bạn thấy tập trung.
5. Sai lầm thứ 5: Ôm đồm quá nhiều việc
Bạn có phải là người khó nói “không” với người khác? Nếu đúng thế, hẳn bạn đang đối mặt với cả núi những dự án và cam kết. Chính điều này khiến bạn giảm hiệu suất làm việc, stress và suy sụp tinh thần. Trước khi nhận một công việc, bạn hãy tự đặt cho mình một vài câu hỏi quan trọng sau:
•  Yêu cầu công việc có đúng với mục tiêu và mục đích làm việc của tôi không?
•  Tôi có phải là người làm việc này tốt nhất không?
•   Tôi có thời gian để làm việc này không?
Nếu câu trả lời của bạn là “không” cho 3 câu hỏi nào nêu trên, tốt nhất bạn cũng nên nói “không” với công việc ấy. Mặt khác, sẽ thiếu chuyên nghiệp nếu từ chối một công việc chỉ vì bạn không muốn làm, bạn không hiểu phải làm thế nào, công việc này tốn nhiều thời gian của bạn, hay công việc thật rối rắm và phức tạp. Vì vậy, 3 câu hỏi trên sẽ giúp bạn đưa ra lý do hợp lý để từ chối.
6. Sai lầm thứ 6: Làm nhiều việc cùng lúc
Để hoàn thành nhanh khối lượng công việc, bạn Hoa thường vừa viết email vừa trò chuyện điện thoại với đồng nghiệp về chuyên môn. Hoa nghĩ rằng mình đã sử dụng thời gian hiệu quả, sự thật là khi làm nhiều việc cùng một lúc, bạn sẽ phải mất thêm 20-40% khoảng thời gian cần thiết để hoàn tất so với khi làm tuần tự từng việc một. Kết quả là Hoa không làm tốt cả hai việc – email thì đầy những lỗi sai còn đồng nghiệp rất phật ý vì sự kém tập trung của Hoa.
Vì thế, tốt nhất bạn nên tập trung giải quyết từng việc một. Như thế, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn với chất lượng công việc tốt hơn.
7. Sai lầm thứ 7: Không dành vài phút giải lao
Bạn nghĩ rằng sẽ thật hay nếu mình có thể làm việc liên tục 8-10 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ, nhất là khi đang cận kề với deadline. Tuy nhiên, không ai có thể tập trung làm việc với năng suất cao mà không dành cho bộ não của mình đôi chút thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng.
Vì vậy, bạn đừng bỏ qua những phút giải lao và cho đó là “lãng phí thời gian”. Giờ giải lao đem lại cho bạn thời gian nghỉ ngơi quý giá, nhờ đó bạn có thể tư duy sáng tạo hơn và làm việc hiệu quả hơn. Bạn có thể đi dạo nhanh một vòng, pha một tách cà phê, hay chỉ đơn giản là ngồi tại bàn làm việc mà không làm gì cả. Hãy cố gắng thu xếp giải lao khoảng 5 phút sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Và cũng đừng quên tự cho mình quỹ thời gian rộng rãi để ăn trưa và nghỉ ngơi.
Quy tắc PERMA
Quy tắc này được Martin Sligman, một nhà tâm lý học rất có uy tín công bố rộng rãi trong quyển “Flourish” (Thành đạt) của ông – một quyển sách có tầm ảnh hường lớn xuất bản năm 2011. PERMA gồm 5 yếu tố sau:
1. Những cảm xúc tích cực (P – Positive Emotions)
Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại và tự hỏi tại sao.
Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp. Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn. Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên? Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc!
2. Sự gắn kết (E - Engagement)
Chỉ khi gắn kết thật sự với những việc đang làm, bạn mới đạt được kết quả tốt nhất. Cách tốt nhất để thật sự gắn kết với công việc là hãy yêu thích công việc đó. Hãy tìm những khía cạnh trong công việc mà bạn yêu thích như những dự án phù hợp, những người đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hay những điều bạn có thể học hỏi được. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi “Bạn thích gì ở công việc hiện tại?”, đã đến lúc bạn tìm cho mình công việc mới thích hợp hơn.
Tiếp đó, hãy gắn kết bản thân với những điều bạn yêu thích trong cuộc sống. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ bạn bè hay chơi thể thao… Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress, lấy lại cân bằng.
3. Những mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships)
Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở. Xem bài 7 cách đắc nhân tâm nơi công sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa? Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!
4. Ý nghĩa cuộc sống (M – Meaning)
Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong từng việc bạn làm để nuôi dưỡng cho mình cảm xúc vui sống. Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào. Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.
5. Thành tích (A - Accomplishments/Achievement)
Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kĩ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.
Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa. Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
- 5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
- 3 mục tiêu quan trong nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
-  Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
- Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
- Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
- Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
-  Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?
Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.

Hãy thử áp dụng những cách trên, bạn sẽ thấy những thay đổi rõ rệt trong công việc, giảm stress, tăng hiệu suất, thăng chức, tăng lương! Chúc bạn tìm được cân bằng trong cuộc sống!

Bottom Ad [Post Page]

| Designed by Colorlib